Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng, phát triển trí tuệ và nâng cao chất lượng cuộc sống

 Vi chất dinh dưỡng cần thiết cho tăng trưởng,

phát triển trí tuệ và nâng cao chất lượng cuộc sống

 

 

Vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe của con người. Hiện nay, tình hình thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, Sắt, Iốt còn phổ biến và luôn được xem là những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng.

Vậy thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

F Nếu thiếu Vitamin A

- Làm trẻ chậm lớn nhất là ở những trẻ nhỏ.

- Làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, trẻ dễ bị nhiễm trùng. Nhiễm khuẩn và thiếu Vitamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

- Thiếu Vitamin A nặng sẽ gây nên các tổn thương ở mắt, được gọi là" khô mắt", nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù vĩnh viễn.

Đối tượng dễ bị thiếu Vitamin A

- Trẻ em dưới 3 tuổi dễ bị thiếu Vitamin A vì ở tuổi này trẻ đang lớn nhanh, cần nhiều Vitamin A.

- Thêm vào đó, giai đoạn này trẻ gặp nhiều yếu tố nguy cơ gây thiếu Vitamin A: thời kỳ còn bú, không được bú mẹ hoặc lượng Vitamin A trong sữa mẹ thấp, đến thời kỳ cai sữa, do sự thay đổi chế độ nuôi dưỡng và hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

F Hậu quả của thiếu Sắt

- Người mẹ sẽ bị tăng nguy cơ sinh non, nhiễm trùng, sẩy thai, tăng cân không đủ trong thai kỳ, xanh xao, mệt mỏi, bào thai kém phát triển, tăng biến chứng hậu sản như băng huyết sau khi sinh.

- Trẻ sinh ra từ người mẹ bị thiếu máu thiếu sắt thì cân nặng lúc sinh thấp, dễ bị nhiễm trùng, kém phát triển về thể lực và trí lực, chỉ số thông minh thấp...

- Ngoài ra, nếu người mẹ bị thiếu acid folic, thai nhi còn có thể bị các tật bẩm sinh khác như dị tật tim, hở hàm ếch...

          Việc bổ sung sắt và acid folic cũng cần được thực hiện đều đặn trong suốt quá trình mang thai và cho đến sau khi sinh 1 tháng.

 

F Hậu quả của thiếu Iốt

          - Phụ nữ trong thời kỳ mang thai: Có thể sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non.

          - Người mẹ thiếu Iốt trẻ sinh ra sẽ bị thiểu năng trí tuệ, bướu cổ sơ sinh, nặng hơn có thể gây đần độn; có thể bị các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay hoặc chân, nói ngọng, điếc, câm.... Những tổn thương này là vĩnh viễn, không thể chữa được.

          - Thời kỳ niên thiếu: Gây ra bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng. Trường hợp nặng, trẻ em có thể bị đần độn, liệt cứng hai chân. Trẻ thiếu Iốt không thể đạt kết quả tốt trong học tập.

          - Thiếu Iốt ở người lớn: Gây ra bướu cổ với các biến chứng của nó như chèn ép khí quản và thực quản, cơ thể mệt mỏi, không linh hoạt và giảm khả năng lao động.

          Muối Iốt không làm thay đổi hương vị và chất lượng món ăn, hoàn toàn như muối thường mà lại thêm tác dụng phòng chống các rối loạn rất nguy hiểm do thiếu Iốt gây nên. Vì vậy mọi người, mọi nhà hãy sử dụng muối Iốt hàng ngày.

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cần làm gì?

  1. Đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Sử dụng các loại thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
  2. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
  3. Bữa ăn của trẻ cần các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu Vitamin A, Vitamin D.
  4. Trẻ em trong độ tuổi uống Vitamin A liều cao 2 lần/ năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng được uống một liều Vitamin A.
  5. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/ năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.
  6. Phụ nữ trước và trong khi mang thai cần uống viên Sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
  7. Sử dụng muối Iốt và các sản phẩm có bổ sung Iốt trong bữa ăn hàng ngày./.

 

TỔ TRUYỀN THÔNG – GDSK TRUNG TÂM Y TẾ TPCĐ